| 511 Lượt xem
liên hệ
Bạn đã hoàn thành buổi phỏng vấn xin việc và đang đợi kết quả. Tuy nhiên đây chưa phải là thời điểm kết thúc hoàn toàn quy trình phỏng vấn trong tuyển dụng. Một số công ty sẽ còn theo dõi phản ứng của ứng viên trong thời gian này. Do đó đây cũng là lúc quan trọng để thực hiện một số việc cần thiết nhằm góp phần tạo ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng.
Viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng
Dù cuộc phỏng vấn xin việc đã trải qua tốt đẹp hay không thì sau khi kết thúc, bạn cũng nên viết một bức thư cảm ơn gửi đến nhà tuyển dụng việc làm tại Vĩnh Long, Cần Thơ, TPHCM… nơi mà bạn ứng tuyển.
Hãy gửi lời cảm ơn những người đã gặp trong hành trình phỏng vấn và bày tỏ sự nhiệt thành và có hứng thú với cơ hội công việc này. Chẳng hạn “Em chân thành cảm ơn quý anh/ chị đã dành thời gian và tạo cơ hội cho em, cuộc phỏng vấn đã giúp em có được trải nghiệm quý giá”.
Lưu ý là thư cảm ơn nên được gửi trong vòng 24 giờ sau buổi phỏng vấn. Không nên để quá lâu vì sẽ “hạ nhiệt” và có thể nhà tuyển dụng khó nhận ra bạn là ai trong số các ứng viên sau nhiều ngày.
Hỏi thăm kết quả phỏng vấn sau một thời gian nhất định
Tất nhiên sau cuộc phỏng vấn, ứng viên cần chờ đợi nhà tuyển dụng đưa ra quyết định.
Thế nhưng sau một khoảng thời gian nhất định, nếu quá ngày báo kết quả mà bạn vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào thì có thể viết thư hỏi thăm.
Lưu ý khi viết thư, bạn nên hỏi trực tiếp người đã phỏng vấn bạn hoặc bộ phận chịu trách nhiệm tuyển dụng. Không nên hỏi thăm lòng vòng những người không liên quan hoặc nội dung thư không bày tỏ ý muốn rõ ràng.
Việc viết thư hỏi thăm kết quả phỏng vấn sau khoảng thời gian chờ đợi cũng cho thấy bạn quan tâm đến việc làm và muốn nắm bắt cơ hội. Đồng thời bạn đã vạch ra kế hoạch cụ thể cho mình nên cần biết kết quả rõ ràng để quyết định.
Giữ liên lạc
Sẽ thật tốt nếu như trong buổi phỏng vấn xin việc bạn có được thông tin liên lạc của người phỏng vấn hoặc người chịu trách nhiệm tuyển dụng. Điều này sẽ giúp bạn có được sự kết nối cần thiết sau khi phỏng vấn kết thúc.
Duy trì sự liên lạc sau phỏng vấn chứng tỏ bạn là người năng động, ngoại giao tốt, có nhiệt thành với các mối quan hệ trong công việc và đặc biệt là quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp này.
Ngược lại nếu bạn không giữ được liên lạc mà im lặng kéo dài thì nhà tuyển dụng cho rằng bạn thờ ơ, thiếu nhiệt thành. Có thể chi tiết này cũng làm bạn bị trừ điểm cho kết quả cuối cùng.
Tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về đơn vị tuyển dụng
Một số công ty yêu cầu ứng viên trải qua các vòng phỏng vấn khác nhau trước khi quyết định cuối cùng. Việc tìm hiểu về công ty sâu hơn sau cuộc phỏng vấn sẽ giúp ích cho bạn trong những cơ hội tiếp theo.
Chính vì vậy dù bạn đã trải qua cuộc phỏng vấn, bạn vẫn nên nghiên cứu công ty sâu rộng hơn như quy trình hoạt động, lộ trình đào tạo nhân viên, văn hóa công ty… hay là đặc thù công việc của bộ phận, phòng ban bạn sẽ làm việc.
Ngoài ra bạn cũng nên ghi chú một số thắc mắc, điều mà bạn cần nắm rõ hơn trong trường hợp bạn được trúng tuyển để trao đổi, thống nhất với phía tuyển dụng trước khi bạn nhận việc chính thức.
Luôn giữ thái độ lịch sự
Cho dù kết quả cuối cùng nhận được lời từ chối thì bạn cũng nên giữ thái độ lịch sự viết thư hồi đáp vui vẻ, thân thiện với nhà tuyển dụng.
Ngay cả khi bạn có năng lực và đủ tiêu chuẩn nhưng vì một vài lí do không phù hợp mà bạn không được nhận. Đó là điều bình thường, bạn không nên bày tỏ sự thất vọng hoặc thái độ khó chịu. Có thể bạn không đạt trong cơ hội này nhưng trong tương lai bạn lại nhận được cơ hội khác.
Thái độ lạc quan vui vẻ và lịch sự ngay cả khi bị đánh rớt chính là cách bạn nhận được thiện cảm từ nhà tuyển dụng. Biểu hiện này cũng cho thấy phẩm chất, tính cách tích cực trong thất bại của bạn và bạn hoàn toàn xứng đáng có được cơ hội công việc tốt hơn.
Đặng Hảo
Bình luận
>